Ngành chăn nuôi sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt hơn của hàng ngoại khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và đặc biệt là khi TPP có hiệu lực.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn và việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.
Đây là hiện tượng điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm sữa… Những đặc điểm này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi đều thấp, phụ thuộc ngày càng nhiều và nhập khẩu từ các nước TPP, đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, và một số nước AEC như Thái Lan.
Kết quả nghiên cứu của VEPR sử dụng mô hình cân bằng tổng thể cho thấy trong cả hai trường hợp TPP và AEC, thương mại, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm,…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị.
Đồng thời, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng. Toàn bộ ngành được đự đoán sẽ thu hẹp sau khi tham gia TPP, và ở mức độ thấp hơn khi gia nhập AEC.
Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm (và ở mức độ thấp hơn người chăn nuôi lợn thịt) sẽ bị thiệt nhất về sản lượng và phúc lợi, mặc dù thói quen tiêu dùng thịt nóng hiện nay của người Việt có thể giúp trì hoãn tác động này. Riêng ngành sữa và bò thịt sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn.
Tuy nhiên, các nỗ lực tái cấu trúc ngành cần được đẩy nhanh hơn nữa để nâng cao hiệu suất cũng như sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Với mô hình cân bằng bán phần đánh giá tác động của tự do hóa thương mại lên ngành chăn nuôi của Việt Nam, ảnh hưởng của việc Việt Nam gia nhập vào AEC hầu như không đáng kể. Trong khi đó, TPP có ảnh hưởng khá rõ ràng lên ngành chăn nuôi thông qua phúc lợi, nhập khẩu và sản lượng trong nước.
Ngành chăn nuôi ảnh hưởng TPP khá rõ. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN
Xét tổng thể ngành chăn nuôi, người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi, trong khi người sản xuất phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào như thịt bò từ Úc, thịt gà, thịt lợn từ Mỹ. Cùng với đó, mức giảm thu từ thuế nhập khẩu khiến cho phúc lợi ngành chăn nuôi sẽ giảm sau khi TPP có hiệu lực.
Tự do hóa thương mại được giả định sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan và một phần phi thuế quan, từ đó dẫn tới thay đổi trong dòng thương mại giữa các quốc gia. Kết quả cho thấy dòng thương mại có xu hướng dịch chuyển từ những nước có mức giảm thuế quan ít sang nước có mức giảm lớn hơn.
Xét theo ngành nhỏ, Việt Nam có xu hướng giảm nhập khẩu sữa bột, các sản phẩm sữa bột từ Mỹ và chuyển sang nhập khẩu từ New Zealand. Tăng nhập khẩu trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ.
Thay đổi trong xuất nhập khẩu dẫn tới mức giá cân bằng mới trên thị trường bao gồm giá của nhà sản xuất và giá của người tiêu dùng. Trong trường hợp Việt Nam, các mặt hàng thịt có xu hướng tràn vào trong nước ảnh hưởng tiêu cực tới phúc lợi của người sản xuất cũng như sản lượng trong nước, đồng thời người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới mức giá bán giảm.
Các phân ngành nhóm động vật sống và nhóm thịt chi chịu tác động nhỏ.
Xét theo các phân ngành, ngoại trừ phân ngành thịt gà, các phân ngành nhóm động vật sống và nhóm thịt chỉ chịu tác động nhỏ lên người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Trong khi đó, phân ngành thịt gà chịu tác động lớn do hiện đang áp dụng mức thuế cao cũng như lượng nhập khẩu mặt hàng này tương đối lớn so với các sản phẩm khác.
Do vậy, sau khi TPP có hiệu lực, phân ngành thịt gà sẽ có xu hướng chịu tác động mạnh nhất, tuy nhiên, phúc lợi của phân ngành này gần như cân bằng khi thặng dư của người tiêu dùng đủ để bù đắp tổn thất từ thuế và thiệt hại của người sản xuất.
Nhìn lại nhu cầu sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu của Việt Nam có thể thấy, nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam dao động mạnh qua các năm, với tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu theo nước thuộc về Mỹ và Canada. Mỹ đồng thời cũng là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong cả nhập khẩu gà sống và thịt/nội tạng gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
New Zealand và Úc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhập khẩu sữa tiệt trùng không đường. Đối với sản phẩm sữa đã qua chế biến (sữa cô đặc hoặc thêm đường/hương vị), New Zealand và Mỹ là hai nước xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam. Đối với các chế phẩm từ sữa, New Zealand là nước xuất khẩu chính sang thị trường Việt Nam, theo sau là các nước Mỹ, Hà Lan, Pháp và các nước khác.
Có thể thấy rằng Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi rất nhiều từ các nước TPP, đặc biệt là các nước có ngành chăn nuôi mạnh như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, và từ một số nước AEC như Thái Lan.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu Việt Nam áp lên các nước ASEAN hiện nay đã về rất thấp, từ 0-5%, trong khi đó, thuế suất Tối Huệ Quốc (MFN) và thuế quan áp lên một số nước TPP đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Úc, New Zealand vẫn còn cao, và đặc biệt cao ở sản phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm và thịt chế biến.
Nhậpkhẩu của Việt Nam và thuế quan áp dụng Tổng nhập khẩu, triệu USD Nhập khẩu từ TPP Nhập khẩu từ AEC Giá trị (triệu USD) Thuế quan (%) Giá trị (triệu USD) Thuế quan (%) Đại gia súc sống và các sản phẩm từ chúng 19 17 1,8 2 0,0 Các động vật sống khác và sản phẩm từ chúng 270 125 0,7 11 2,1 Thịt đại gia súc 795 27 13,6 0 6,4 Thịt các động vật khác 307 141 17,5 6 7,7 Sữa tươi nguyên liệu 1 0 0,0 0 0,0 Các sản phẩm từ sữa. 582 448 4,6 28 5,8
Nguồn: Tính toán của tác giả từ cơ sở dữ liệu GTAP 9
Như vậy, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan nhờ gia nhập TPP và AEC, các ngành được bảo hộ bằng hàng rào thuế quan có thể sẽ bị tác động mạnh. Tuy nhiên, để đánh giá được khả năng chống cự của các ngành này, và thậm chí các ngành vốn không bảo hộ nhưng sản xuất yếu kém, trước cánh cửa hội nhập, cần làm rõ cấu trúc thị trường dọc theo chuỗi cung ứng của các sản phẩm chăn nuôi để có các biện pháp chuẩn bị hội nhập chủ động và hiệu quả./.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
(Bài viết này là một phần của Báo cáo “Tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam: Khía cạnh Kinh tế Vĩ mô và trường hợp Ngành chăn nuôi” được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), hoàn thành tháng 8/2015, được thực hiện bởi Nhóm Nghiên cứu VEPR gồm TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, GS. Ken Itakura, Nguyễn Thị Linh Nga và Nguyễn Thanh Tùng. Tác giả xin chân thành cảm ơn JICA và các thành viên nhóm nghiên cứu đã thực hiện Báo cáo này.)
|